Bạn đọc viết: Giáo dân có “nghiêm khắc và vô ơn” với linh mục không?

Tôi xin có mấy nhận xét về bài viết “Vì tôi là Linh Mục” mà NVCL vừa đăng. Tôi ước ao được thấy bài này cũng được đăng lên để độc giả có thêm một cái nhìn khác về đề tài của bài viết đó. Tôi rất đồng ý với nhiều nhận xét rất chí lý từ một bài viết hay và công phu của tác giả. Tuy nhiên có 2 điểm xin được góp ý.

1 – Câu chuyện “cạo gió” cho cha được kể với vẻ cường điệu làm tăng sự lâm ly cho đời linh mục. Thực tế thì cuộc đời ai chẳng có lúc cô đơn. Đâu phải có chồng/vợ, con cái bên cạnh là luôn luôn nhờ vả được? Chúng tôi đau ốm vào đúng lúc họ (vợ/chồng/con cái bận rộn đi làm đi học) thì chúng tôi cũng nằm co. Ai chẳng phải nằm co? Mình phải thông cảm chứ! Linh mục khi cần còn có thể  gọi người này người kia, phone cho ông trùm này một tiếng, ông phó kia một lời thì thế nào chẳng kiếm ra người. Cơ hội của vị linh mục chắc chắn là nhiều hơn. Nếu ông vẫn không nhờ được ai thì một là ông ăn ở như thế nào để không ai muốn đến giúp, hai là có lúc mọi người bận rộn cả, thì cũng đáng thông cảm lắm chứ! Chuyện đó đâu có gì để lâm ly hóa! Đâu phải hễ cứ đi tu thì ốm đau là … cô đơn!

Linh mục chỉ “thua” đàn ông ngoài đời một người vợ thôi, còn ngoài ra cái gì cũng hơn hết: Tiền bạc, địa vị, nhà cửa…. (Mà cái người vợ/hoặc người chồng chúng tôi có chưa chắc đã mang lại cho chúng tôi một chút gì hạnh phúc hơn các vị). Vậy mà tôi thấy nhiều vị cứ vin vào cái “thua sút” đó để mà kịch tính hóa hoàn cảnh. Ấy là chưa kể đến nhiều vị khác cố bù lại cái sự “thua sút” đó qua những cách thế lén lút, mất phẩm hạnh, mất sự cao quí duy nhất mà quí vị thường vin vào đó mà hãnh diện: Sự đồng trinh!

Ông cha xứ của tôi thì nhìn về cái “sự cô đơn” này một cách tích cực hơn nhiều: Ngày kỷ niệm 15 năm chịu chức, ông kể, ngày xưa “con chỉ có một người lo miếng ăn, nay thì con có hằng trăm người. Khi tới giờ cơm, nếu chưa có ai mời, thì con chỉ cần lấy phone, gọi gia đình anh Năm “Anh chị ăn cơm chưa? Em ghé làm một chén được không?” Hoặc gia đình bác Sáu, “Bác Sáu ơi, con đói rồi, bác còn cơm không?’ Có nhiều người để mà cầu cứu như thế mà vẫn bị những lúc xui xẻo, chẳng ai có ở nhà. Khi đó, thì con đành ra ngoài làm một tô phở tô bún vậy?” Cả nhà thờ cười ầm! Thật là một thái độ rộng lượng với cuộc đời biết bao! Người bình dân thì gọi đó là “dễ thương”, và ai cũng muốn được hân hạnh “sao cha không gọi cho nhà con?”

Cùng là một hoàn cảnh mà linh mục này nhìn một cách tích cực, trong khi đó, nếu ai muốn “lâm ly hóa” thì thế nào chẳng có người nhỏ nước mắt?

Nói về trách nhiệm linh mục thì cha xứ tôi kể chuyện, “Ngày xưa lúc chưa làm linh mục, con đi đạp xích lô để kiếm sống. Có lần con phải chở 1 người đàn bà rất mập, lại gồng  ghềnh quang gánh, lúc xe lên dốc, con không làm sao đẩy xe chạy tới được, làm cả người và hàng đổ kềnh ra đường. Người khách quay lại nhìn con, chửi một câu: “Thằng xích lô cà chớn!”. Vậy mà bây giờ làm linh mục, bề trên giao cho con cả một giáo xứ rộng lớn.  Trên chiếc xe “xích lô” bây giờ là bao nhiêu người, bao nhiêu trách nhiệm. Chỉ là “thằng xích lô cà chớn”, nhưng con phải đẩy cái xe lớn lao nặng nề này đi cho đến nơi. Nếu không có Ơn Chúa, không có sự hỗ trợ của mọi người thì một mình con làm sao đảm đương được?

Một cái nhìn quá tuyệt vời: Khiêm nhường và đầy lòng biết ơn, biết ơn Chúa, biết ơn giáo dân! Người bình dân cũng chỉ có một nhận xét: Thật là dễ thương!

Nói tóm lại, tùy cách nhìn của mình thôi. Làm cho lâm ly, được! Kể lể công trạng, được. Coi ngừơi khác là vô ơn, được! Khiêm nhượng, được. Biết ơn người khác, được!

Đức Cha Ngô Quang Kiệt và giáo dân Hà Nội

Đức Cha Ngô Quang Kiệt và giáo dân Hà Nội

2 – “Thái độ vô ơn, nghiêm khắc, thiếu cảm thông” của người giáo dân với linh mục. Đó là câu tôi trích từ bài viết “Vì tôi là linh mục”. Câu này thật là vơ đũa cả nắm, và quá bất công với quần chúng nói chung, và giáo dân Việt Nam nói riêng!

Sở dĩ tôi nói quần chúng là vì, ai làm lãnh đạo cũng phải chấp nhận điều này: Bị mọi người xét nét! Và phải biết cái tâm lý chung của quần chúng là: Dễ phản ứng trước sự kích động.

– Bị mọi người xét nét: Có làm đến tổng thống Mỹ chăng nữa thì vẫn bị xét nét. Xứ sở càng tự do

càng bị xét nét nhiều. Dưới chế độ độc tài dân chúng không dám công khai hóa sự xét nét, nhưng không có nghĩa là họ không để ý, không xoi bói, không nhận xét. Có đó, nhưng không nói ra được thôi. Đương nhiên, linh mục là người lãnh đạo thì phải chấp nhận cái qui luật đó.

Giáo dân là quần chúng, họ cũng biết nhìn, biết đánh giá. Nhưng  giáo dân là một nhóm quần chúng đặc  biệt: Linh mục được thừa hưởng sự kính trọng có sẵn đối với chức thánh, sự xét nét của họ có phần nào tự chế hơn so với quần chúng đánh giá một lãnh đạo phần đời.  Nói ra vẻ trách cứ giáo dân “nghiêm khắc” quá với linh mục là một kết luận “nghiêm khắc” quá đối với giáo dân.

– Đặc tính thứ hai của quần chúng là dễ phản ứng khi bị kích thích: Hôm nay lãnh đạo làm tốt, người ta đưa lên mây xanh, mai có gì không vừa ý là bị phê bình, chỉ trích, mạt sát không tiếc lời. Tôi nhớ có đọc trong một quyển sách dạy nghệ thuật lãnh đạo câu này, “Tâm lý quần chúng là dễ quên và vô ơn!”.

Xin nhắc lại, đó là tâm lý chung của đám đông, mà người lãnh đạo phải chấp nhận. Ngoài đời, họ chấp nhận để đổi lấy địa vị. Trong đạo, linh mục chấp nhận để đổi lấy cái gì? Không ai hy sinh để không được cái gì cả – hoặc vật chất hoặc tinh thần. Chỉ sợ rằng nhiều linh mục bây giờ có khuynh hướng đòi đền bù vật chất mà quên đi những đền bù tinh thần mà Chúa hứa và họ đã đeo đuổi vào ngày đầu tiến lên Bàn Thánh.

Trong tư thế nào chăng nữa, người lãnh đạo không thể kết án quần chúng là vô ơn. Nói như vậy là không biết lãnh đạo. Nói điều đó về giáo dân lại càng tỏ ra mình kém cỏi, và vô ơn trước bao nhiêu điều giáo dân tặng mình nhưng không chỉ vì họ tin vào chức Thánh.  Phê phán giáo dân vô ơn “hộ” những linh mục kém cỏi thì chẳng giúp linh mục cải  tiến được chút nào.

Tôi viết những điều này để những lời góp ý chân thành của mọi người, của Trang NVCL, mong muốn nhìn thấy những mục tử tốt lành hơn … không bị loãng ra vì những nhận xét phiến diện… Mong rằng không làm ai phiền lòng.

Hảo Phạm

10 Responses to Bạn đọc viết: Giáo dân có “nghiêm khắc và vô ơn” với linh mục không?

  1. Minh Tam nói:

    Cam on tac gia Hao Pham ve bai viet.
    Dung vay, cuoc doi va con nguoi muon mat luon nhu vay, quan niem va song the nao la do minh, va no se quyet dinh cuoc doi cua minh nhieu hanh phuc hon hay bat hanh hon.

  2. tran hoang viet nói:

    tôi đồng ý với ý kiến của hảo phạm ,vâng linh mục chỉ kém người đàn ông khác 1 bà vợ thôi. còn cái gì cũng có,như cha xứ tôi,nhà cửa lộng lẫy như trụ sở làm việc của tỉnh ủy. xe hơi nam sáu trăm triệu ,nguòi dân khó có thể mời ngai đươc bữa cơm vì nhiều nguời mời quá ngài không có lịch.một năm ngài đi mỹ 2-3 lần, như vậy thì ngài sướng hơn vua ,chứ có cô đơn gì đâu?

  3. Tuan nói:

    Cam on NVCL da dang bai viet nay. Co nhu vay moi trung thuc, binh dang khong thien vi. ai het. Cho du co lam den Da^'ng ba^.c nao di nua, neu lam sai thi can phai cho ho. biet ho lam sai de co the sua doi. Da so cac GM va LM deu la nhung nguoi tot, chi? co mot so nho? da khong song du'ng voi on go.i cua mi`nh.

  4. Nguyễn Lân nói:

    theo tôi nghi rằng làm LM bên tây có lẽ cô đơn nhiều hơn bên Viet Nam mình. khi còn là du sinh, tôi có ghé thăm bạn nối khố của tôi, là LM chánh xứ, dủ loại màu da, bạn tôi kể rằng: ở bên đây đau yếu thì cô đơn lắm, gia đình thì ở chổ khác, trong phòng nhìn ra chẳng thấy bóng người,,,,,tìm được ông Nát Rượu là hên, là Chúa gởi đến đó. vì ai cũng có công việc hết, đâu có thể réo ai là có đâu. ngay cả người Việt cũng vậy. nhưng đổi lại là LM bên tây có lương, có xe và có thể uống bia, rượu, và không cần phải lo việc nhà xứ nhiều vì có nhân viên làm việc có lương đảm trách. các LM không dạy giáo lý hôn nhân, giao lý trẻ em,,,,,,có bộ phận khác của tòa TGM lo. mùa phục sinh cách đây 3 năm, bên tây trời còn lạnh, xe của vị LM bạn tôi không nổ, thế là phone cho tôi, tôi đưa LM đến bệnh viện để lo cho một giáo dân tây hấp hối gì đấy. sau hai ba tiếng đồng hồ rồi đi về LM trả công cho tôi bát phở việt, cả hai ăn song tôi thấy LM làm dấu rồi đọc râm rang cái gì, tôi thấy lạ tôi hỏi, thì LM cho biết: hôm nay thứ sáu tuần thánh.

  5. Xotxa nói:

    Rất hay và rất chính xác. Xin cảm ơn tác giả Hảo Phạm. Một ông cha DCCT trong một lần chia sẻ tại giáo xứ tôi có nói : " người ta cứ nói các cha có lúc nào thấy cô đơn không nhất là khi tan các cuộc lễ rước đông vui trọng thể? Xin thưa rằng không đâu, tan cuộc là mệt đừ người rồi, đặt mình xuống giường là ngủ say như chết cho đến lúc chuông báo thức reo. Ngày thường cũng vậy, công kia việc nọ lấy đâu ra thời gian mà cô với chả đơn." Đúng thế, chỉ có những ai lười mới có thời gian để thấy "cô đơn" mà thôi !

  6. Thanh Nguyen nói:

    Thật ra bài viết "Vì tôi là Linh mục" cũng nói lên nhiều điều, và giáo dân đọc và thấy đồng cảm với linh mục, chẳng có gì đáng phê bình. Bài này nói lên một khía cạnh khác. Cám ơn hai tác giả nhìn hai phía, phía nào cũng hay. Chỉ mong là đừng có ông linh mục nào hùa theo nhà nước vô thần là được. Tôi chẳng bao giờ trách linh mục khi các ngài lỡ sa ngã, nhưng tôi không kính trọng những ông lờ mờ quốc doanh được.

  7. Xotxa nói:

    Xin góp thêm một câu chuyện có thật ở xứ tôi : Cha xứ già đã về hưu ở ngay tại nhà xứ, đã có Cha xứ khác được vài năm rồi vậy mà khi cha già đau yếu, thanh niên trong xứ thay nhau túc trực chăm sóc tắm rửa xoa bóp cho Ngài, trêu chọc kể chuyện vui để cha con cùng cười. Ăn cơm nhà rồi tự nguyện mà đến khi biết tin chứ có ai bảo hay thúc giục đâu. Mà cha thì nghèo- về hưu rồi làm gì ra có mà cho lại đám thanh niên. Nhiều người con đàn cháu đống chưa chắc đã dược chăm sóc bằng. Thế nên đừng bao giờ nói rằng giáo dân vô ơn mà hãy xem lại cách sống của mình (LM) ra sao.

  8. người qua đường nói:

    Tôi đồng ý với tác giả Hảo Phạm, nhưng tôi cho rằng đó là những chuyện bình thường trong đời sống hàng ngày như bao chuyện đời thường khác và nhất là đối với những LM mà tấm lòng trong như tờ giấy trắng. Tôi thiển nghĩ trong hàng giáo phẩm của GHCGVN có không ít những vị ngay từ những ngày bước chân vào trường dòng thì không chỉ vì ơn Chúa mời gọi họ thôi mà có lẽ còn có những sự sắp đặt của trần thế nữa. Chính vì vậy chả trách sao họ dễ bị sa ngã cũng như có những đường hướng đưa GHVN đến sự tình như ngày hôm nay.

  9. Phương Thành nói:

    Cám ơn ông Phạm Hảo và Nữ Vương Công Lý, bài viết phản ảnh trung thực, rất ý nghĩa.
    Tôi nghĩ là trong bài "Vì Tôi Là Linh Mục", tác giả kể câu chuyện tếu (cạo gió với mũi rãi lòng thòng) cho vui thôi, phần khác, tác giả đã nói đến cách cư xử của LM với giáo dân và ngược lại.
    Hai bài viết này bổ túc cho nhau sẽ là bài học rất quí báu cho LM Giang, Cương (quản xứ An Thịnh) và một số Mục tử đấy! Mong rằng GHVN có những LM (thằng xích lô cà chớn) dễ thương giống như cha xứ của tác giả Phạm Hảo thì hạnh phúc cho giáo giáo dân biết bao!

  10. CON ÉN nói:

    từ lâu tôi không còn ý tưởng gì để viết hay góp ý các diễn đàn, mấy hôm nay tôi đọc 2 bày viết này của vị mục tử nhân lành với bao lời mà tôi thấy thấm thía cho vị mục tử ngày này đang phải đối mặt với bao muôn vàng thử thách. Tôi đã 1 lần theo tiếng gọi của CHÚA nhưng không thành, nhưng tôi vẫn thấy đó là điều không mấy vui trong cuộc đời mình. Không phải ai có gia đình cũng được vui vẻ và anh lành đâu. Mà mọi người phải biết vung đắp và xây dựng. Vị mục tử cũng vậy, chỉ khác là không có bạn đời (âu cũng là điều may) các vị sống với lý tưởng cao đẹp là hạnh phúc nhất trần gian, cò sự cô đơn là điều kiện tuyệt vời để các ngài sống gần CHúa và suy miệm lời CHÚa và giúp ích cho công đòan phát triển, còn vị mục tử nào mà trong tư tưởng còn vẫn vơ về sự cô đơn thì theo tôi nên xét lại 1 cách nghiêm khắc với bản thânm vì các ngài còn thời gian đâu mà nghĩ đến cô đơn ngòai các công việc : Giải tội – giúp giáo dân các công việc phần hồn – các khóa huấn luyện giáo lý thiếu nhi – các huynh trưởng v.v. vài dòng mạo muội góp ý cùng NVCL.
    CON EN

Gửi phản hồi cho Nguyễn Lân Hủy trả lời